Lệnh trừng phạt Nga được ban bố rộng khắp ở nhiều lĩnh vực sau Putin quyết định thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Rất nhiều các ông lớn trong giới công nghệ đã tuyên bố dừng cung cấp các dịch vụ ở Nga. Nhiều hành động trừng phạt của các nước cũng đã đe doạ tới việc người Nga tự do truy cập vào internet.
Nhiều năm qua, Nga đã tự chuẩn bị cho mình mạng internet nội bộ để tránh phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài. Chính quyền Nga muốn đảm bảo website có thể truy cập ổn định do đó, họ chuyển dần máy chủ về trong nước cũng như xoá các mã Javascript của các công ty nước ngoài từ 11/3.
Chính phủ Nga từ lâu nắm quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông của các cơ quan nhà nước, nhưng vẫn nới lỏng quyền truy cập đến các nội dung và dịch vụ trên Internet của người dân. Hiện tại, quyền này đã bị hạn chế. Nga sẽ chiếm quyền kiểm soát toàn bộ dịch vụ, thắt chặt kiểm duyệt nhằm lọc tin tức, củng cố thông tin tuyên truyền từ điện Kremlin.
Năm 2019, Nga từng thử nghiệm ngừng kết nối với mạng toàn cầu. Không ai biết được việc thử nghiệm kéo dài bao lâu và người dùng không nhận ra sự khác biệt: “Về cơ bản, họ yêu cầu các nhà cung cấp Internet và viễn thông chỉ cho kết nối vận hành trong biên giới Nga, giống như một mạng intranet của doanh nghiệp, chỉ là quy mô lớn hơn”, Giáo sư Alan Woodward tại Đại học Surrey, Anh nhận định.
Việc đảm bảo tốc độ và nội dung trên Internet không đơn giản. Một ví dụ là các mạng lưới truyền tải nội dung (CDN). Nếu nội địa hóa hạ tầng Internet, những ưu điểm của các công nghệ cũng không còn. Mặt khác, dù sử dụng hạ tầng Internet nội bộ, Nga vẫn phải giữ kết nối với mạng Internet của thế giới để làm việc với các quốc gia khác bên ngoài lãnh thổ.
Trước tình hình Nga ngày càng bị cô lập trên không gian mạng, chỉ cần một vài thay đổi nhỏ trong mạng lưới máy tính, rất có thể chính phủ nước này sẽ kiểm soát toàn bộ kết nối Internet của người dân.